Đăng vào Jan 13, 2022

[3] Khả năng mở rộng, tính bảo mật và tính phi tập trung: Ba trụ cột của một nền tảng hợp đồng thông minh

➤ Đa số các mô hình kinh doanh hiện nay đều được vận hành thông qua cơ chế tập trung, cung cấp dịch vụ cho người dùng để thu phí. Tuy nhiên, hoạt động với động cơ lợi nhuận, các tổ chức, doanh nghiệp càng ngày càng tập trung vào việc khai thác người dùng, thay vì chỉ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tốt hơn.
➤ Công nghệ blockchain đề xuất một giải pháp cho vấn đề này, cho phép phát triển một mô hình kinh doanh phi tập trung, khắc phục được yếu điểm của mô hình truyền thống.
➤ Để làm được điều đó, cơ chế vận hành của các dự án blockchain cần đảm bảo được 3 yếu tố: (1) Security: Tính bảo mật, minh bạch và ẩn danh cao; (2) Decentralization: Tính phi tập trung và (3) Scalability: Khả năng mở rộng tốt.
➤ Hiện nay, hiếm có một công thức nào tối ưu được cả 3 yếu tố, do đó, tùy vào thị trường mục tiêu, mỗi nền tảng sẽ tối ưu 2 trên 3 phương diện này.
➤ Hiểu được mối quan hệ giữa 3 trụ cột của một nền tảng, nhà đầu tư sẽ hiểu được định hướng cạnh tranh và phát triển của từng dự án, cũng như vận động chung của thị trường crypto.

Tập trung vs. Phi tập trung 

Hầu hết các ứng dụng, dịch vụ chúng ta sử dụng ngày nay đều được vận hành theo cơ chế tập trung bởi một công ty, doanh nghiệp hoặc tập đoàn nào đó. Ví dụ: mạng xã hội Facebook và Instagram hiện tại được quản lý bởi Meta, Gmails được quản lý bởi Google hay các sàn thương mại điện tử như Shopee được quản lý bởi Công ty TNHH Shopee. Các ứng dụng và dịch vụ này đã dần trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại đến mức chúng ta khó có thể tưởng tượng một thế giới nơi không có chúng sẽ bất tiện ra sao. Nếu không có thương mại điện tử, chúng ta sẽ phải đến tận nơi để mua một chiếc thảm Ba Tư, hoặc mua từ một nhà phân phối với giá đắt hơn gấp nhiều lần. Nếu không có các trang mạng xã hội và emails, chúng ta sẽ phải gọi điện và nhắn tin với cước gọi đắt đỏ hoặc gửi thư thông qua bưu điện rồi chờ đợi thư phản hồi. Các mô hình kinh doanh đã cắt giảm chi phí của những hoạt động này bằng việc rút ngắn kết nối, và đảm bảo được hiệu quả vận hành ổn định, nhanh chóng. 

Tuy tiện lợi, nhưng những ứng dụng này cũng có khuyết điểm. Hoạt động vì động cơ lợi nhuận, các nhà phát triển thiết kế sản phẩm của mình để khai thác được nhiều giá trị từ người dùng hơn, thay vì thiết kế một sản phẩm vì lợi ích của người dùng. Ví dụ: Facebook thiết kế tính năng gợi ý video tự động, tính năng này khiến cho thời gian sử dụng của người dùng tăng gấp 14 lần trong năm 2018, và mang lại nhiều doanh thu từ quảng cáo hơn cho nền tảng này. 

Công nghệ blockchain đề xuất một giải pháp mới, cho phép phát triển các ứng dụng trung lập, một mô hình kinh doanh phi tập trung hiệu quả hơn so với mô hình cũ. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ chế vận hành của mô hình mới cần làm tốt những gì mô hình cũ làm được – hiệu quả về chi phí và ổn định trong vận hành, đồng thời khắc phục được yếu điểm vị lợi của mô hình tập trung. 

Các nền tảng hợp đồng thông minh giải quyết vấn đề này thông qua việc cung cấp cho các ứng dụng phi tập trung một cơ chế vận hành đảm bảo 3 yếu tố: (1) Phi tập trung; (2) Mở rộng tốt; (3) Bảo mật và minh bạch cao. 

Tính phi tập trung 

Yếu điểm của mô hình kinh doanh cũ nằm ở tính vị lợi, khi mô hình này được vận hành để tạo ra doanh thu cho một pháp nhân là các doanh nghiệp, các công ty. Các chủ thể này có hai vai trò chính: (1) Xây dựng và quản trị cộng đồng người dùng và (2) Cung cấp dịch vụ cho những người dùng đó. 

Hợp đồng thông minh cho phép dịch vụ được tự động thực hiện, còn nhiệm vụ xây dựng và quản trị cộng đồng sẽ do ai chịu trách nhiệm khi không có một công ty, doanh nghiệp? – Câu trả lời là chính cộng đồng. 

Tính phi tập trung nhấn mạnh vào yếu tố bình đẳng giữa các người dùng, không ai có quyền lực cao hơn ai trong quản trị và vận hành hệ thống. Tất cả mọi người đều có quyền quyết định và đề xuất những thay đổi của nền tảng, cùng nhau thông qua mọi chính sách liên quan có tác động đến mạng lưới. 

Việc tự động hóa dịch vụ và phi tập trung hóa quản trị – vận hành loại bỏ rủi ro gây ra bởi động cơ vị lợi. Cho phép các mô hình phi tập trung có thể phát triển tối đa các tính năng tối đa hóa lợi ích của các thành viên thuộc mạng lưới. 

Tính minh bạch, bảo mật và ẩn danh 

Thông tin về việc các tập đoàn lớn bán và khai thác dữ liệu, thời gian sử dụng của người dùng không được công bố, và gần như không được chú ý đến cho tới thời gian gần đây. Do các tập đoàn này không công khai minh bạch hoàn toàn về các hoạt động kinh doanh của mình. 

Trong một cộng đồng phi tập trung, thông tin được công khai cho các thành viên của hệ thống thông qua công nghệ blockchain. Đồng thời, việc tự động hóa các thỏa thuận giữa thành viên bằng các hợp đồng thông minh cho phép mọi người có thể tương tác và giao dịch mà không cần công khai danh tính. 

Tính bảo mật có thể hiểu một cách đơn giản là khả năng chống gian lận và xâm nhập bởi các hackers. Mỗi nền tảng có một thiết kế khác nhau, ví dụ, cơ chế của Ethereum chống gian lận bằng cách tăng độ khó của việc gian lận đến mức gần như không thể bằng PoW, trong khi đa số các nền tảng hiện nay chống gian lận bằng việc tăng tính ngẫu nhiên của quá trình xác thực thông tin với PoS. 

Khả năng mở rộng

Khả năng mở rộng của một nền tảng được xác định bởi tốc độ xử lý giao dịch và chi phí vận hành. 

Khi khắc phục được yếu điểm vị lợi của mô hình cũ, đồng thời vẫn đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ và tính năng, thì việc nền tảng thu hút nhiều người dùng hơn là lẽ dĩ nhiên. Bài toán đặt ra là liệu hệ thống có khả năng xử lý lượng lớn thông tin từ cộng đồng người dùng không? Và nếu có, thì với cái giá bao nhiêu? 

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một nền tảng nào tối ưu được cả 3 bình diện này. 

Chuyên môn hóa: Trade – off để tăng lợi thế cạnh tranh

Việc giải thích cụ thể tại sao sẽ dẫn chúng ta đến một phân tích mang tính công nghệ về các giao thức đồng thuận. Nếu bạn muốn hiểu sâu về câu hỏi Why? – bạn có thể đọc chuỗi bài về các giao thức được Attlas tổng hợp tại đây. Nếu bạn chỉ cần nắm được vấn đề chính yếu, bạn có thể tham khảo đánh giá dưới đây của Attlas. 

 

Tiêu chí đánh giá PoA PoS (và các biến thể) PoW
Tính phi tập trung  Trung bình Trung bình Rất tốt
Bảo mật, ẩn danh và minh bạch Minh bạch Tốt Tốt Tốt
Bảo mật  Trung bình Trung bình  Tốt
Ẩn danh Kém Rất tốt Rất tốt
Khả năng mở rộng Tốc độ xử lý Tốt  Tốt đến Rất tốt Kém
Chi phí vận hành  Trung bình  Thấp Cao 

Bảng so sánh cơ chế vận hành của các nền tảng hợp đồng thông minh 

Như chúng ta có thể thấy, hiện nay, chưa có một cơ chế nào đáp ứng được tốt cả 3 tiêu chí đã nêu. Ví dụ, Ethereum sử dụng PoW, thiết kế này có cơ chế bảo mật bằng độ khó của việc xác thực thông tin, nhằm ngăn chặn các hacker xâm nhập vào hệ thống. Song, độ khó này cũng kéo dài thời gian xác thực. Khi ngày một nhiều người sử dụng nền tảng, khối lượng thông tin tăng cao, độ khó không giảm thì hệ quả chắc chắn là sự tắc nghẽn hệ thống. Do đó, mặc dù có tính bảo mật tốt, và tính phi tập trung cao, nhưng không đáp ứng được sự gia tăng số lượng người dùng. 

Trong khi đó, các dự án sử dụng PoS (và các biến thể của PoS) có cơ chế bảo mật nhấn mạnh vào tính ngẫu nhiên của người được chỉ định. Song, lại ưu tiên người có nhiều cổ phần (người sở hữu nhiều coin nền tảng) hơn, và do đó, làm giảm tính phi tập trung. 

Nhận ra vấn đề này, các nền tảng kể từ sau Ethereum có xu hướng tập trung phát triển mạnh 2 trên 3 yếu tố, hoặc (và) tập trung vào một thị trường nhỏ hơn để tạo lợi thế cạnh tranh. 

Xu thế phát triển chính của các nền tảng hợp đồng thông minh hiện nay

Xu thế lớn nhất, và cũng là chiến trường có sự cạnh tranh khốc liệt nhất chính là cạnh tranh về khả năng mở rộng. Thông qua các thay đổi trong thiết kế kỹ thuật, các nền tảng mới có khả năng xử lý giao dịch nhanh hơn gấp nhiều lần so với nền tảng đầu tiên Ethereum. Tham gia cuộc chiến này có Tron, Neo, Near, v.v. Cái tên nổi bật nhất là Solana, với tốc độ xử lý giao dịch nhanh gấp khoảng hơn 10,000 lần so với Ethereum hiện nay. 

Xu thế thứ hai là thu hẹp phạm vi thị trường mục tiêu. Các nhà phát triển của Ethereum kỳ vọng nền tảng này sẽ đặt nền móng cho toàn bộ thế giới blockchain. Song, mỗi lĩnh vực lại có một ưu tiên khác nhau. Ví dụ, Defi cần minh bạch, ẩn danh và bảo mật với tốc độ xử lý cao, trong khi ngành công nghiệp chuỗi cung ứng cần tốc độ xử lý cao và bảo mật, nhưng cần công khai danh tính. Các nền tảng hiện nay hướng tới việc chuyên môn hóa thiết kế cho từng thị trường. Chẳng hạn như VeChain – sử dụng PoA, cho phép bảo mật với tốc độ xử lý cao, nhưng yêu cầu (một số) công khai danh tính. 

Hai xu thế này không chỉ phản ánh sự vận động của các dự án, mà còn dẫn đến một hệ quả tất yếu là một thế giới đa chuỗi nơi nhiều nền tảng cùng tồn tại. Cho đến khi một giải pháp tối ưu được đưa ra, toàn diện về cả 3 trụ cột, thì cạnh tranh giữa các nền tảng sẽ tiếp tục tiếp diễn theo 2 xu hướng trên, và định hình thế giới blockchain trong thời gian tới. 

Chia sẻ
Những bài viết liên quan
Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...