Đăng vào Jan 12, 2022

[3] Interoperability: Khả năng giao tiếp giữa các blockchain trong một thế giới đa chuỗi

➤ Từ khoảng cuối năm 2019 đến nay, bối cảnh thị trường blockchain đã có những thay đổi ngoạn ngục về mức vốn hóa thị trường, về mức độ quan tâm rộng rãi của các nhà đầu tư và cả về các lĩnh vực ứng dụng thực tế của công nghệ này.
➤ Sau sự bùng nổ của mùa hè Defi 2020, trend Play – to – Earn của 2021, một vận động khác cũng báo hiệu xu thế của năm 2022, đó là giải pháp cầu nối, hay “Interoperability” – khả năng giao tiếp giữa các blockchain.

Từ Ethereum đến Multichain

Thời kỳ đầu của blockchain, khi Ethereum đặt nền móng cho sự phát triển của các nền tảng hợp đồng thông minh, cho phép các nhà phát triển thiết các ứng dụng phi tập trung theo chuẩn của Ethereum, những nhà tiên phong của ngành công nghiệp blockchain đã tưởng tượng ra một viễn cảnh “one blockchain to rule them all” – một blockchain duy nhất được đặt làm quy chuẩn cho sự phát triển của toàn bộ thị trường. 

Nếu tưởng tượng mỗi nền tảng hợp đồng thông minh là một quốc gia, các ứng dụng phi tập trung là các doanh nghiệp và người sử dụng chính là dân cư của quốc gia đó, thì mục tiêu ban đầu của Ethereum là thiết lập một lãnh thổ với nền kinh tế thống trị về mọi mặt, bao gồm: Tài chính (Defi), truyền thông – giải trí (NFT), v.v. 

Là quốc gia đầu tiên và lớn mạnh nhất tính đến thời điểm hiện nay, tuy nhiên nguồn lực và tài nguyên của Ethereum là có hạn, thiết kế ban đầu của Ethereum không có khả năng vận hành được một khối lượng lớn công việc khi số lượng người dùng ngày một tăng cao. Đồng thời, bộ khung pháp lý (cơ chế đồng thuận) của Ethereum cũng không phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp. Ví dụ, ứng dụng tài chính phi tập trung Curve Finance muốn tìm kiếm một môi trường nơi có nhiều khách hàng, đồng thời xử lý nhanh nhất các giao dịch của họ. Ở Ethereum, họ có được tệp khách hàng lớn và sở hữu khả năng thanh khoản cao. Nhưng khả năng xử lý đang ngày một chậm đi, và do đó, hạn chế khả năng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp này.  

Trong khi đó, các quốc gia khác lần lượt xuất hiện và ngày một hoàn thiện, điển hình có thể kể đến Solana, với khả năng xử lý giao dịch nhanh gấp 1000 lần ở Ethereum, trong khi vẫn đảm bảo về an ninh. Do đó, Solana trở thành một điểm đến đáng cân nhắc cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính. Hay VeChain, quốc gia nơi luật lệ được thiết kế riêng cho ngành công nghiệp cung ứng, với tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc vượt trội cũng trở thành một môi trường lý tưởng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Với sự xuất hiện của ngày một nhiều các quốc gia, doanh nghiệp dần nhận ra tiềm năng của các thị trường mới. Dòng tiền và dân cư dần có sự dịch chuyển, nền kinh tế của thế giới phát triển theo mô hình chuyên môn hóa cao hơn. 

Nhìn vào số liệu thực tế, ta thấy tuy TVL của Ethereum đã tăng khoảng 1000 lần so với thời điểm một năm trước đây, trong khi tỷ trọng TVL của Ethereum trên tổng TVL trong Defi của các blockchain đã giảm từ khoảng 95% năm 2020 còn khoảng 60% vào cuối năm 2021. 

Miếng bánh kinh tế của Ethereum đang dần nhỏ lại, nhường chỗ cho các quốc gia mới. Thế giới blockchain đa chuỗi không còn là viễn cảnh tương lai, mà là thực tại, và ngày một hoàn thiện hơn. 

Nhu cầu tương tác giữa các blockchain

Ba yếu tố thiết yếu để nền kinh tế của một quốc gia blockchain có thể phát triển khỏe mạnh là:

  • Dân cư đông đúc
  • Dòng tiền lưu chuyển ổn định 
  • Hoạt động kinh tế sôi động

Tuy nhiên, các quốc gia mới đang gặp nhiều rào cản trong việc thu hút nguồn tiền và dân cư, bởi thiếu đi các cầu nối và phương thức giao tiếp với nhau. 

Ethereum đang là quốc gia phát triển nhất với dòng tiền đầu tư lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động. Với nguồn lực sơ khai, rất khó để các quốc gia mới ngay lập tức cạnh tranh với Ethereum. Do đó, giải pháp để thế giới cùng phát triển đó là chia sẻ dân cư cùng nguồn lực. Nhu cầu thiết yếu hiện nay là xây dựng được các cầu nối – đường đi để dân cư cùng dòng tiền có thể di chuyển, và hệ thống ngôn ngữ chung – để các quốc gia nói chuyện được với nhau. 

Ở một tầm nhìn dài hạn, các cầu nối và ngôn ngữ chung không chỉ mang ý nghĩa cạnh tranh, mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ thế giới blockchain – cũng giống như cách mà các phương tiện giao thông tân tiến và internet mang lại sự phát triển cho nền kinh tế chung của toàn thế giới. 

Hai cách tiếp cận phổ biến nhất hiện nay là xây dựng các cầu nối song phương (bridge), hoặc thiết lập mạng lưới kết nối đa phương (interoperability).

Khái niệm “Interoperability” – khả năng tương tác giữa các mạng lưới blockchain

Interoperability đề cập Khả năng tương tác đa phương giữa nhiều blockchain, tập trung vào việc trao đổi thông tin giữa các blockchain khác nhau và việc giao dịch và trao đổi các tài sản điện tử giữa các ứng dụng phi tập trung thuộc các blockchain khác nhau. 

Các giải pháp đã được triển khai hiện nay tập trung ở 3 hình thức chính:

  • Notary Schemes – Cơ chế ủy viên: Cơ chế này về bản chất là một cơ chế tập trung, cho phép một ủy viên chỉ định hoặc xác thực một thông tin nào đó từ blockchain là đúng. Đặt trong thế giới blockchain chúng ta đang nói, ý tưởng này đề xuất thiết lập một ủy viên chuyên trách thông ngôn giữa các quốc gia. Tuy nhiên, yếu điểm của cơ chế này nằm ở tính tập trung của nó khi bắt buộc các quốc gia phải đặt niềm tin vào ủy viên được chọn. 
  • Relays: Là một mô hình với một chuỗi chính được thiết lập để xử lý việc giao tiếp giữa các blockchain thuộc mạng lưới. Hiểu một cách đơn giản, ý tưởng này cho phép thiết lập một kênh giao tiếp phi tập trung xử lý việc giao dịch và tương tác giữa các quốc gia.
  • Hashed Timelock: Đây là một giải pháp chéo chuỗi cho phép tạo các kênh giao dịch trung gian off-chain, không chỉ giới hạn ở các blockchain, mà còn có thể mở rộng với các hệ thống thanh toán truyền thống. Hai quốc gia có thể thiết lập một kênh chung để giao dịch với nhau. Tuy nhiên, yếu điểm của cơ chế này là chỉ giới hạn cho việc trao đổi giá trị, chứ không thể sử dụng cho các sản phẩm tài chính khác như các công cụ phái sinh hoặc các loại tài sản tổng hợp khác. 

Ý nghĩa của việc tương tác

Cũng giống như các quốc gia thực tế, khi các quốc gia blockchain có một bộ nguyên tắc tương tác, giao dịch – thương mại quốc tế cũng theo đó phát triển. Dòng tiền và hàng hóa (bao gồm các đồng tiền mã hóa, các NFTs cùng các tài sản mã hóa khác), có thể được lưu chuyển giữa các quốc gia. 

Về mặt tài chính, việc nâng cao khả năng mở rộng sẽ giải quyết bài toán thanh khoản. Hiện tại, một trong những yếu điểm của các dự án Defi trên các blockchain mới là chưa thu hút được nhiều người dùng, do đó có khả năng thanh khoản thấp, đi kèm với rủi ro cao. Khi tương tác hiệu quả, các ứng dụng tài chính phi tập trung trên tất cả các blockchain có thể kết nối và chia sẻ thanh khoản, đồng nghĩa với việc khả năng thanh khoản cao hơn và rủi ro thấp hơn cho người dùng. Đồng thời, dòng tiền có thể lưu chuyển từ Defi của blockchain này sang Defi của blockchain khác, tối ưu hóa việc sử dụng vốn, thúc đẩy sự phát triển của tất cả các quốc gia.

Với thị trường NFTs, khi các “mặt hàng” này được tự do lưu chuyển giữa các blockchain, thị trường mua bán sẽ sôi động, dày dặn với nhiều lựa chọn hơn, đi kèm với đó là khả năng thanh khoản cao hơn. Đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng và các công cụ thúc đẩy sự phát triển của mặt hàng này như các Game, các vũ trụ ảo, các chợ mua bán và các công cụ tổng hợp thanh khoản cũng sẽ theo đó mà ngày một phát triển hơn. 

Hơn thế nữa, với các dự án hiện tại, thế giới blockchain sẽ thấy sự xuất hiện của cả các blockchain tư nhân được thiết kế cho mục đích sử dụng của các doanh nghiệp. Tuy chưa phát triển ở thời điểm hiện tại, song, tương lai đó là có thể tưởng tượng với cơ sở hạ tầng hiện tại. Ở tương lai đó, khi các blockchain có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, các dự án Defi, Công cụ thanh toán, v.v. hiện tại có khả năng được ứng dụng cao hơn ở các lĩnh vực khác, thực sự kiến tạo một thế giới nơi blockchain được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, ở mọi nơi. 

Chia sẻ
Những bài viết liên quan
Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...