Đăng vào Jun 06, 2021
Crypto vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm bởi đặc tính phi tập trung, ẩn danh cùng với tính thanh khoản cao và dễ dàng giao dịch xuyên biên giới. Khi tham gia vào thị trường này, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra những rủi ro lừa đảo (Scam) hiện đang rất phổ biến trên mạng cũng như trên các sàn giao dịch như: Tấn công giả mạo (Phishing), Quà tặng giả mạo (Fake giveaways), Mô hình Ponzi (Ponzi scheme) và Lừa đảo trốn thoát (Exit scam). Chúng ta hãy cùng nghiên cứu và tìm hiểu cách phòng tránh những chiêu trò lừa đảo này nhé.
Với Phishing, kẻ gian giả mạo thành một đơn vị uy tín như ngân hàng, sàn giao dịch, ví điện tử, công ty thẻ tín dụng… để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho chúng. Chúng nguỵ tạo email và website một cách tinh vi để đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách mời bạn truy cập vào một đường dẫn và yêu cầu bạn đăng nhập thông tin tài khoản.
Ngoài ra, kẻ gian hiện có xu hướng ẩn mình trong các nhóm chat về tiền mã hoá hoặc các sàn giao dịch trên các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram, Messenger… Khi người dùng báo sự cố, chúng sẽ giả mạo bộ phận hỗ trợ khách hàng hoặc quản trị viên của nhóm, nhắn tin riêng tới người dùng và yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm.
Để phòng chống phishing, bạn nên cảnh giác và kiểm tra tính xác thực của những trang web, email và tài khoản đang liên hệ với bạn. Không ai cần biết các thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập và mã bảo mật của bạn ngoài tin tặc. Vì vậy, đừng bao giờ cung cấp những thông tin nhạy cảm này cho bất kỳ ai. Và nếu đã lỡ cung cấp, bạn hãy liên hệ ngay với sàn giao dịch hoặc ứng dụng có liên quan. Tại Attlas Exchange, bạn có thể liên hệ đội ngũ Chăm sóc khách hàng ở trong các group cộng đồng để được hỗ trợ kịp thời 24/7.
“Để nhận được 1 BTC (Bitcoin), bạn hãy gửi đến địa chỉ ví này 0,1 BTC”. Đây là cách thức phổ biến đánh vào lòng tham được những kẻ lừa đảo thường xuyên sử dụng để nhận được tiền từ người dùng. Và thông thường, khi đã gửi 0,1 BTC từ ví của mình đi, bạn sẽ không nhận được món quà 1 BTC kia và cũng không thể lấy lại số tiền đã gửi đi. Không chỉ BTC, kẻ gian còn tạo ra nhiều biến thể với các đồng tiền lớn khác như ETH (Ethereum), XRP (Ripple), BNB (Binance)…
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những quà tặng giả mạo này trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Twitter, nơi kẻ gian thường mạo danh những công ty lớn hoặc người nổi tiếng và lợi dụng những những tin tức, sự kiện nóng hổi trong ngành crypto như ICO, IEO hoặc IDO để trục lợi.
Để tránh rủi ro mất tiền, bạn nên tìm hiểu kỹ về người đăng tải, nguồn gốc thông tin và dự án có liên quan.
Và ngay cả khi đó là một chương trình tặng quà từ Attlas Exchange hay bất kỳ tổ chức nào, bạn sẽ không bao được yêu cầu trả tiền trước.
Ponzi là mô hình lừa đảo kinh điển đã xuất hiện từ rất lâu trong đầu tư tài chính. Các tổ chức/cá nhân lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi để quảng bá và thu hút đầu tư vào dự án của họ với lời hứa mang lại lợi nhuận cao bất thường. Những nhà đầu tư ban đầu nhận được lợi nhuận đúng như cam kết, nhưng thực tế khoản tiền đó được thanh toán từ số tiền mà các nhà đầu tư mới hơn đóng góp. Nhà đầu tư sẽ lầm tưởng rằng dự án là hợp pháp và dễ kiếm lời. Họ đầu tư thêm tiền vào và kêu gọi những người khác cùng tham gia. Tuy nhiên, mô hình này sẽ sụp đổ khi không thể thu hút được thêm các nhà đầu tư mới.
Để tránh rơi vào cạm bẫy Ponzi, bạn nên hiểu rõ về khoản đầu tư của mình, điều tra thật kỹ đơn vị/cá nhân kêu gọi đầu tư và luôn đặt nghi vấn với những dự án cam kết mang lại lợi nhuận khổng lồ một cách dễ dàng.
Đúng như tên gọi, lừa đảo trốn thoát là thủ đoạn lợi dụng lòng tin, nhận tiền của nạn nhân và bỏ trốn không thực hiện giao kèo. Trong lĩnh vực tiền mã hoá, exit scam đề cập việc những người quảng bá dự án biến mất cùng với tiền của nhà đầu tư sau những đợt phát hành coin đầu tiên (ICO). Kẻ gian sẽ tạo ra các dự án mới, đánh bóng hình ảnh và huy động vốn từ tiền mua token của nhà đầu tư và sau đó bỏ trốn. Với đặc tính ẩn danh và phi tập trung của tiền mã hoá, sẽ rất khó để có thể truy tìm được những kẻ lừa đảo này.
Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro trở thành nạn nhân của exit scam. Bạn nên kiểm tra mức độ tín nhiệm của dự án qua các thông tin về đội ngũ sáng lập, nhà đầu tư, những người quảng bá. Yếu tố tiếp theo bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng là sách trắng (whitepaper). Tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết, mô hình hoạt động và lộ trình phát triển của dự án, giúp bạn đánh giá được tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, nếu bạn đang được nghe quá nhiều quảng cáo không đúng sự thật, hoặc những lời đảm bảo về lợi nhuận quá khủng, đó có thể là một mô hình Ponzi.
Trên đây chỉ là bốn trong số rất nhiều hình thức lừa đảo trong thế giới crypto vốn rất phức tạp và rủi ro nếu bạn chưa tự trang bị đủ kiến thức. Chính vì vậy, cụm từ “Do Your Own Research (DYOR) – Hãy tự nghiên cứu đi” luôn được lặp lại như một lời nhắc nhở với mỗi nhà đầu tư, bởi lẽ tìm hiểu kỹ và thận trọng trong từng quyết định giao dịch sẽ giúp hạn chế tối đa mọi rủi ro gặp phải. Về để giao dịch một cách an toàn hơn, bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn bảo mật tài khoản Attlas Exchange.