Đăng vào Jan 05, 2022

[1] Nền tảng hợp đồng thông minh: Cơ sở hạ tầng của thế giới Blockchain

➤ Công nghệ blockchain đề xuất một giải pháp cho thị trường khi vừa tạo ra các thị trường hiệu quả, vừa khắc phục được điểm yếu của các mô hình kinh doanh tập trung như ngân hàng, Grab, Uber, hay Facebook.

➤ Nền tảng hợp đồng thông minh là cơ sở hạ tầng của các ứng dụng phi tập trung, là nền tảng của toàn bộ thế giới blockchain.

➤ Ethereum là nền tảng hợp đồng thông minh đầu tiên, và hiện tại đang sở hữu hệ sinh thái lớn nhất. Tuy nhiên, nền tảng này cũng có hạn chế về khả năng mở rộng và chi phí vận hành.

➤ Các nền tảng hợp đồng thông minh mới đang phát triển để khi Ethereum không đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường, tập trung cạnh tranh ở hai điểm chính: Thiết kế nền tảng chuyên môn hóa vá tối ưu hơn Ethereum và Cung cấp giải pháp tăng khả năng tương tác liên chuỗi (Interoperability).

Những vấn đề của mô hình kinh doanh truyền thống

Thị trường hiệu quả là một thị trường dày dặn, nơi người mua có nhiều lựa chọn và người bán của nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời có khả năng xử lý các giao dịch một cách mượt mà và nhanh chóng. Thiết kế của mô hình kinh doanh nào thúc đầy được tính hiệu quả của thị trường, thì công ty đó thành công.

Từ những kỳ lân công nghệ như Uber, AirBnB, hay các thể chế tài chính truyền thống như ngân hàng, tất cả đều giải quyết một vấn đề, đó là đóng vai trò trung gian cung cấp một nền tảng dịch vụ để kết nối cung và cầu. 

Ví dụ, Uber cung cấp một ứng dụng nơi tập trung nhiều tài xế, cho phép người dùng dễ dàng tìm được xe, trong khi cho phép các tài xế được kết nối với người dùng có nhu cầu ở khu vực xung quanh. Ngân hàng đóng vai trò trung gian điều phối dòng tiền để thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế – lấy tiền của người gửi, cho người có nhu cầu vay sử dụng. Facebook đóng vai trò cung cấp một thị trường nhiều khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Ai tìm ra được phương thức hiệu quả cho độ dày của thị trường, người đó là người chiến thắng. 

Vấn đề là các mô hình kinh doanh tập trung này đều có động cơ lợi nhuận. Do đó, ngoài việc cung cấp và tính phí đối với các dịch vụ mà họ cung cấp, các công ty này cũng khai thác chính các dữ liệu cá nhân của người dùng. Câu hỏi mà các doanh nghiệp hiện nay giải quyết dần chuyển hướng từ: “Làm sao để tôi có thể cung cấp một dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng?”, thành “Làm thế nào để tôi có được nhiều người dùng, và kiếm được nhiều tiền hơn từ việc khai thác người dùng của tôi?”. Ngân hàng có thể chấp nhận các khoản nợ dưới chuẩn để tăng doanh thu (hệ quả là khủng hoảng kinh tế 2008). Facebook thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để bán lại cho các đơn vị quảng cáo. Trước khi blockchain được ứng dụng rộng rãi, người dùng buộc phải chấp nhận những hạn chế này để được tiếp tục sử dụng các dịch vụ. Nhưng nay, bối cảnh đã khác. 

Sự xuất hiện của Blockchain, cũng như sự giảm đáng kể chi phí triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ này nhờ các nền tảng hợp đồng thông minh, đã đề xuất một mô hình mới, vừa tạo được một thị trường hiệu quả, đồng thời lại khắc phục được điểm yếu của mô hình kinh doanh tập trung hiện tại bằng việc loại bỏ bên trung gian trong mọi lĩnh vực. 

Công nghệ blockchain có điểm gì khác biệt

Các ứng dụng sử dụng công nghệ blockchain:

  • Cho phép kết nối trực tiếp người dùng với nhau trong một mạng lưới: Như vậy, người bán hoặc người cung cấp dịch vụ có thể trực tiếp kết nối và thực hiện giao dịch với nhau. Những kết nối này không thông qua trung gian, nhưng vẫn đảm bảo tạo ra được độ dày của thị trường. 
  • Phi tập trung: Tương tác giữa người dùng được thực hiện tự động bằng các hợp đồng thông minh (là những dòng lệnh tự động). Các hợp đồng thông minh hoạt động hoàn toàn trung lập và không có động cơ lợi nhuận, do đó, thiết kế của sản phẩm sẽ tập trung tối đa vào trải nghiệm người dùng. 
  • Minh bạch và bảo mật: Thông tin về giao dịch được công khai với tất cả người dùng mạng lưới, đảm bảo tính minh bạch. Trong khi đó, cơ chế lưu trữ dữ liệu của blockchain có cơ chế tốt để đảm bảo an ninh cho toàn bộ mạng lưới với chi phí dịch vụ rất rẻ.  

Ví dụ: Steem (ứng dụng mạng xã hội phi tập trung) cho phép người dùng đăng tải nội dung của mình lên nền tảng của Steem. Người xem nội dung có thể trực tiếp trả phí cho người đăng tải. Thông tin về hoạt động của người dùng được bảo mật, trong khi người đăng tải có thể trực tiếp thu phí từ nội dung của mình mà không phải chia sẻ lợi nhuận của mình với Steem. 

Vấn đề là chi phí để phát triển một blockchain rất đắt đỏ, và công nghệ này cùng tương đối phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có các nền tảng hợp đồng thông minh. 

Nền tảng hợp đồng thông minh: Cơ sở hạ tầng của thế giới blockchain

Chi phí phát triển đắt cùng công nghệ phức tạp đã hạn chế tiềm năng ứng dụng của blockchain. Để giải quyết vấn đề này, các nền tảng hợp đồng thông minh xuất hiện và cung cấp:

  • Cơ sở hạ tầng: Một blockchain mở cho phép chạy nhiều hợp đồng thông minh. Khi muốn phát triển một ứng dụng, nhà phát triển chỉ cần thiết kế một hợp đồng thông minh mới trên blockchain của nền tảng mà không cần xây một blockchain riêng.
  • Hỗ trợ ngôn ngữ: Các nền tảng được phát triển bằng các ngôn ngữ lập trình cao cấp, cho phép phát triển các tính năng và các hợp đồng thông minh phức tạp. 

Đặc tính này giảm đáng kể chi phí phát triển các ứng dụng phi tập trung, mở khóa cho tiềm năng ứng dụng vô hạn của blockchain với trước hết là thị trường tài chính, và hiện nay đang là những lĩnh vực mới như Web 3.0, chuỗi cung ứng, v.v.

Nền tảng hợp đồng thông minh đầu tiên là Ethereum, với tầm nhìn cung cấp một nền tảng cho thế giới mới, cho phép xây dựng các ứng dụng phi tập trung ở mọi lĩnh vực. Mảnh ghép đầu tiên, đầy đủ và hoàn thiện nhất của nền tảng này hiện nay là Defi với đầy đủ các công cụ có khả năng thay thế tài chính truyền thống: Thanh toán – giao dịch; dịch vụ cho vay – gửi tiết kiệm; các công cụ phái sinh, các sàn giao dịch; v.v. 

Tuy nhiên, hiện nay, Ethereum đang phải một số hạn chế ở 3 điểm chính: 

  • Khả năng mở rộng: Khả năng xử lý của Ethereum là có giới hạn, và hiện nay, khi hệ sinh thái có quá nhiều các ứng dụng cùng chạy, tình trạng tắc nghẽn mạng lưới xảy ra. 
  • Chi phí vận hành: Để được xây dựng một ứng dụng trên nền tảng của Ethereum, nhà phát triển cần phải trả phí bằng ETH. Càng nhiều ứng dụng, mức phí này càng cao. 
  • Tính linh hoạt: Tầm nhìn của Ethereum là thiết lập một nền tảng và một quy chuẩn chung cho tất cả các ứng dụng của blockchain, song, tùy từng lĩnh vực, dự án sẽ có nhu cầu khác nhau về tốc độ xử lý giao dịch, bảo mật và tính phi tập trung trong vận hành. 

Do đó, hiện nay đã có nhiều blockchain mới phát triển để khắc phục các điểm yếu này. 

Thế giới đa chuỗi: Cuộc chiến của các nền tảng

Từ cuối 2020 đến đầu 2021, nhiều nền tảng hợp đồng thông minh đã bắt đầu khởi chạy Main net, đồng thời xuất hiện nhiều dự án mới. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến Near, Cardano, Solana, v.v. 

Mục tiêu chung của các nền tảng mới là nhấn mạnh vào thiết kế khả năng mở rộng, tính bảo mật và phi tập trung của mạng lưới. Hiểu được rằng việc đưa ra một tiêu chuẩn chung duy cho mọi lĩnh vực ứng dụng của blockchain là rất khó, do đó, các nền tảng mới thường có một số đặc trưng sau:

  • Khả năng mở rộng cao hơn: Các nền tảng sau Ethereum thay đổi cơ chế đồng thuận với nhiều thuật toán mới để nâng cao khả năng và tốc độ xử lý giao dịch của hệ thống. 
  • Hướng tới thị trường cụ thể: Thiết kế cho các lĩnh chuyên biệt (ví dụ: thị trường chuỗi cung ứng – nhấn mạnh tính minh bạch và khả năng mở rộng (VeChain); thị trường tài chính: nhấn mạnh tính phi tập trung và khả năng mở rộng (Solana). 

Thế giới blockchain lúc này không còn bị thống trị bởi Ethereum. Với sự xuất hiện của các nền tảng mới, thế giới này đã chuyển sang giai đoạn mới – trạng thái đa chuỗi (multichain). Tuy nhiên, Multichain cũng xuất hiện vấn đề mới: Interoperability – Khả năng tương tác giữa các nền tảng. 

Các nền tảng khác nhau nói ngôn ngữ khác nhau, do đó không thể giao dịch chéo chuỗi. Hạn chế này ngăn cản dòng chảy của nguồn tiền và hạn chế sự phát triển các hệ sinh thái của các nền tảng mới. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho các giải pháp mới thúc đẩy và cho phép các nền tảng tương tác với nhau.

Từ bức tranh toàn cảnh này, chúng ta có thể nhận định Nền tảng hợp đồng thông minh vẫn sẽ là một trong số các mảnh ghép được chú trọng nhất trong thời gian tới, với các xu hướng vận động chính: 

  • Các nền tảng hiện tại cạnh tranh thu hút nguồn tiền và mở rộng hệ sinh thái
  • Các nền tảng mới tiếp tục xuất hiện với thiết kế ngày một đa dạng, cạnh tranh về khả năng mở rộng, bảo mật và phi tập trung.
  • Tiếp tục các giải pháp thúc đẩy khả năng tương tác liên chuỗi và các giải pháp cầu nối giữa các blockchain.. 

Kết luận

Nền tảng hợp đồng thông minh được coi là mảnh ghép quan trọng hàng đầu khi cung cấp cơ sở hạ tầng cho toàn bộ thế giới blockchain. 

Sau giai đoạn thống trị của Ethereum, thế giới đã bước vào giai đoạn đa chuỗi (multichain) với sự xuất hiện của nhiều nền tảng mới, nhanh chóng cạnh tranh thị phần với Ethereum và với nhau. 

Trong tương lai, những phát triển tiếp theo của nền tảng hợp đồng thông minh sẽ rất đáng quan tâm cho các nhà đầu tư, nếu muốn phân tích về cơ hội mới, cũng như sự dịch chuyển của dòng tiền. 

Tuy tiềm năng ứng dụng là vô hạn, song, hiện tại, ứng dụng lớn nhất của Blockchain nằm ở mảnh ghép Defi, và thực tế, chúng ta có thể ước tính bằng con số trị giá thị trường của các nền tảng này.  

Chia sẻ
Những bài viết liên quan
Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...Loading...